Phát triển loại hình du lịch tàu biển ở Việt Nam: Thuận lợi và khó khăn

Ngày 06-03-2021 Lượt xem 337

THS. NGUYỄN THỊ SÂM (Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh - Đại học Nguyễn Trãi)

1. Đặt vấn đề

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bằng tàu biển đến năm 2020 trên thế giới có xu hướng chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới thường đưa khách đi theo tuyến châu Âu - châu Mỹ - Địa Trung Hải đã bắt đầu khai thác tuyến du lịch sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này không những trở thành một điểm đến hấp dẫn mà còn là thị trường khai thác lớn cho các hãng du lịch tàu biển thế giới.

Không nằm ngoài xu thế đó, với những điều kiện thuận lợi, Việt Nam đã tạo nên sức hút về du lịch biển đối với du khách trong nước và quốc tế. Được mệnh danh là quốc gia “rừng vàng, biển bạc”, tạo hóa ưu ái cho nước ta đường bờ biển dài với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, những bãi tắm trải dài ngút mắt, hệ sinh thái đa dạng phong phú và những vịnh biển nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, vịnh Vĩnh Hy, vịnh Lăng Cô,… 

Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí thuận lợi nằm giữa hai trung tâm du lịch tàu biển lớn nhất khu vực là Hong Kong và Singapore - nơi phát triển mạnh về kinh tế, trong đó có du lịch. Vì vậy, dải ven biển dài trên 3.200 km được coi là “cánh cửa lớn” đưa Việt Nam tiếp cận với các nước trong khu vực và thế giới thông qua biển Đông. Từ những lợi thế này, ngành Du lịch tàu biển Việt Nam đang có những tín hiệu lạc quan thông qua việc số lượng khách quốc tế đến bằng tàu biển ngày càng gia tăng. Việt Nam đang được xem là thị trường hấp dẫn của các hãng tàu biển lớn trên thế giới như Royal Caribbean International (Mỹ), Star Cruises, Costa Crociere S.p.A, đón nhiều lượt tàu quốc tế cao cấp với lượng khách lên đến hàng nghìn người.

Theo đó, du lịch tàu biển tại nước ta đang có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên theo các chuyên gia nghiên cứu, tốc độ phát triển này còn chưa tương xứng với tiềm năng. Để nâng cao tính hấp dẫn và thu hút đối tượng khách này cần tiếp tục cải thiện chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất và sản phẩm dịch vụ du lịch.

2. Khái quát về loại hình tàu du lịch biển

2.1. Khái niệm tàu du lịch biển

Tàu du lịch biển là tàu chở khách được sử dụng cho các chuyến đi vui chơi khi chuyến đi, các tiện nghi của tàu và đôi khi là các điểm đến khác nhau trên đường đi (tức là các cảng ghé thăm), tạo thành một phần trải nghiệm của hành khách. (Mayntz, 2018).

Không giống như du lịch xuyên Đại Tây Dương truyền thống trên tàu biển, du lịch tàu biển hiện đại trên hết được đặc trưng bởi sự chuyển đổi của con tàu từ một phương tiện giao thông đơn thuần đến một điểm đến trong chính nó. Tàu du lịch phục vụ như một khách sạn nổi, cung cấp một cách hấp dẫn, thuận tiện và không rắc rối để đến thăm các khu phố khác nhau mà không phải thay đổi chỗ ở. Loại hình du lịch giải trí này có thể được bắt nguồn từ đầu những năm 1970, khi những chuyến du thuyền hiện đại đầu tiên bắt đầu hoạt động ở vùng biển Caribbean với khách du lịch Bắc Mỹ. Vào những năm 1990, hiện tượng hành trình đã đến UK và sau đó là phần còn lại của châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương. Hành khách thường được cung cấp chỗ ở kiểu đầy đủ và có thể tận hưởng một loạt các tiện nghi trên tàu như nhà hàng, quán bar, phòng họp, sàn nhảy, sòng bạc, bể bơi, phòng tắm hơi, bể sục, phòng tập thể dục và các cơ sở thể thao khác, dịch vụ làm đẹp, rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, các hoạt động của trẻ em và cửa hàng miễn thuế. Xu hướng về các tàu lớn hơn bao giờ hết với nhiều phương tiện hơn có nghĩa là các tàu du lịch trên thực tế đã phát triển từ các khách sạn nổi thành các khu nghỉ dưỡng nổi. Do đó, một nhà điều hành tàu biển coi các đối thủ cạnh tranh chính của mình là khu nghỉ mát trên đất liền chứ không phải là các tuyến du lịch khác.

2.2. Đặc điểm

2.2.1. Đặc điểm về khách du lịch tàu biển

Đặc trưng của khách du lịch tàu biển là số lượng khách đông, đến từ nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia khác nhau và đi theo tour dài ngày. Thông thường trên một chuyến tàu du lịch số lượng khách thường tính từ vài trăm đến cả nghìn người, nhất là các hãng tàu lớn và các tàu cao cấp. Ví dụ hãng tàu Costa Allegra là tàu 5 sao của Mỹ có sức chứa trên 1.000 du khách; tàu SuperStar Libra chở 1.700 du khách,… Cũng vì số lượng khách đông cho nên các hãng tàu du lịch biển cần tập hợp đủ lượng khách và chuyện họ đến từ nhiều vùng lãnh thổ là điều dễ hiểu.

Vì khách hàng đến từ nhiều vùng lãnh thổ và nhiều quốc gia khác nhau nên chương trình tham quan của họ cũng không giống nhau. Tuy vậy, phần lớn mục đích chuyến đi của khách du lịch thường là tham quan, giải trí, giao lưu và thưởng thức các bản sắc văn hóa bản địa.

Một đặc điểm khác biệt của khách du lịch tàu biển là họ thường ít khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú. Thông thường khách du lịch sẽ quay lại tàu của mình để nghỉ. Bởi lẽ tàu du lịch được trang bị như một khách sạn đầy đủ tiện nghi và nếu điểm đến không có gì hấp hẫn thì du khách sẽ thường quay lại tàu để nghỉ ngơi.

2.2.2. Đặc điểm chuyến thủy trình

Các du thuyền được gọi là các khách sạn nổi vì trên đó được cung cấp đầy đủ các dịch vụ như một khách sạn trên đất liền như buồng ngủ (trên tàu gọi là các ca-bin). Các ca-bin cũng được phân hạng như phòng khách sạn: Có ca-bin hạng sang có thể ngắm cảnh bên ngoài, có ca-bin rộng có thể liên thông với nhau,… những ca-bin này thường đắt hơn các ca-bin thông thường khác. Ngoài ra, các ca-bin thông thường trên tàu thường có các giường tầng vì không gian trên tàu hạn chế hơn không gian trong các khách sạn. Hơn nữa, việc bố trí như vậy cũng là cách kéo khách ra ngoài boong tàu, khuyến khích khách mua sắm và tiêu dùng các dịch vụ bổ sung khác trên tàu, giúp gia tăng doanh thu cho hãng.

Ngoài ra, do một chuyến thủy trình thường dài ngày nên ngoài việc cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống khách hàng còn được cung cấp các dịch vụ bổ sung như giải trí, thư giãn,… do đó chi phí trọn gói cho một chuyến thủy trình là khá cao.

Trong chuyến thủy trình có rất nhiều cảng tạm dừng, đây là nơi mà tàu ghé lại trên chuyến hành trình của mình. Cảng tạm dừng và thời gian tạm dừng tùy thuộc vào chuyến thủy trình, sức hấp dẫn của địa phương nơi tàu tạm dừng, cơ hội mua sắm và một số yếu tố khác.

2.3. Điều kiện để phát triển du lịch tàu biển ở Việt Nam

2.3.1. Điều kiện khách quan

a) Điều kiện về tự nhiên

Việt Nam là một quốc gia ven biển, được thừa hưởng rất nhiều vịnh, đảo và các bãi biển đẹp có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch, với những kỳ quan thế giới như vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, có giá trị thẩm mỹ và giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo. Vịnh Nha Trang được ví như “hòn ngọc viễn đông” và cùng với vịnh Lăng Cô được Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới bầu chọn. Quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng với hang Sơn Đoòng được ghi nhận với quy mô lớn nhất thế giới. Các bãi biển đẹp như bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. 

Bên cạnh đó là những khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ven biển đa dạng.

Hệ thống 16 vườn quốc gia bao gồm Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Xuân Thủy (Nam Định), Cúc Phương (Ninh Bình), Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam),… Ngoài ra, còn hệ thống 26 khu dự trữ thiên nhiên và 3 khu bảo tồn loài sinh vật cảnh chạy dọc theo đất nước.

b) Các giá trị văn hóa

Các vùng ven biển cũng được thừa hưởng nhiều di tích lịch sử văn hóa phong phú, mà theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng ở vùng ven biển (tính đến năm 2011) được ghi nhận với 24 thắng cảnh, 221 kiến trúc nghệ thuật, 106 kiến trúc lịch sử, 14 di tích khảo cổ và 550 di tích lịch sử. Bên cạnh điều kiện thiên nhiên thì nét văn hóa đặc trưng của vùng miền cũng là yếu tố thu hút khách du lịch. 

2.3.2. Điều kiện chủ quan

Điều kiện về tổ chức

Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473 ngày 30/12/2011 khẳng định: “Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch”.

Để thúc đẩy hoạt động du lịch tàu biển, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã có nhiều chính sách đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách tàu biển vào Việt Nam như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển, giảm cảng phí cho các tàu vào Việt Nam định tuyến hoặc nhiều lần, mở cửa đảo Phú Quốc và Côn Đảo cho khách nước ngoài vào tham quan du lịch, miễn visa cho khách du lịch đến đảo Phú Quốc trong vòng 15 ngày, giảm lệ phí visa cho khách tàu biển (áp dụng như khách quá cảnh 5USD/1khách),… Hơn nữa, hệ thống cảng biển ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu và số lượng ngày càng tăng của khách du lịch loại hình này.

Cơ sở hạ tầng tại nhiều cảng biển đã được đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa như cảng Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn, Tiên Sa,... Các tuyến đường nối khu vực cảng tới trung tâm thành phố cũng đã được đầu tư, mở rộng, nâng cấp, tạo thuận lợi hơn cho khách tàu biển.

Đặc biệt hiện nay, các nước ASEAN đang xây dựng tour du lịch tàu biển xuyên qua các quốc gia ASEAN. Đây là một thuận lợi lớn với du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách quốc tế.

3. Thực trạng phát triển du lịch tàu biển Việt Nam

3.1. Sự hình thành và phát triển của loại hình du lịch tàu biển tại Việt Nam thời gian qua

Với hơn 3000km bờ biển và một hệ thống cảng biển lớn nhỏ, hàng trăm bãi biển, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, còn nguyên sơ và một nền văn hóa - lịch sử lâu đời, đa dạng, giàu bản sắc, người dân cởi mở và thân thiện, với hệ thống dịch vụ ngày càng đa dạng, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển các loại hình du lịch biển, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tàu biển và có thể trở thành một trung tâm du lịch tàu biển trong khu vực. 

Trong những năm đầu của thập niên 1990, lượng khách du lịch tàu biển vào Việt Nam chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong tổng số khách du lịch quốc tế đến nước ta. Tuy nhiên, sau khi Mỹ chính thức bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, du lịch Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng trở lại của du lịch tàu biển. Mặc dù, so với du lịch bằng đường không và đường bộ, du lịch bằng đường biển ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

0987.183.148